Cách dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Trong xã hội hiện nay, việc dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân tránh khỏi những mối nguy hiểm là điều vô cùng quan trọng mà cha mẹ cần quan tâm. Những thông tin trong bài viết dưới đây chắc chắn sẽ giúp ích bạn trong việc trang bị các kỹ năng cơ bản cho trẻ nhỏ.
Khi mới sinh ra, đứa trẻ nào cũng nhận được sự bao bọc kỹ càng của cha mẹ và những người thân xung quanh. Gia đình là môi trường an toàn cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, cùng với thời gian, khi trẻ lớn lên cũng đồng nghĩa với việc sẽ tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau. Trong khi đó, người lớn không thể lúc nào cũng ở bên trẻ 24/24, vì vậy, cha mẹ cần dạy trẻ biết cách bảo vệ bản thân để trẻ nhận thức về những mối nguy hiểm hay các đối tượng nguy hiểm.
1. Kỹ năng bảo vệ bản thân là gì?
Kỹ năng bảo vệ bản thân là những hiểu biết của một người về sự việc xung quanh mình cũng như cách để hành động đúng, an toàn đối với sự việc đó. Khi trẻ có kỹ năng bảo vệ bản thân sẽ biết cách làm thế nào để tránh xa những mối nguy hiểm hoặc khám phá thế giới trong phạm vi an toàn.
Đối với trẻ nhỏ từ 4 đến 12 tuổi có thể coi là giai đoạn mà trẻ dễ gặp phải nhiều mối nguy hiểm nhất. Bởi ở giai đoạn này, trẻ ưa thích khám phá nhưng lại chưa có những kỹ năng cơ bản để tìm hiểu thế giới. Khi bé chuẩn bị đi học cũng là lúc bắt đầu được dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non. Mỗi kỹ năng nhỏ chính là hành trang cần thiết khi trẻ bắt đầu hành trình một mình, rời ra mái ấm gia đình. Một trong những kỹ năng quan trọng mà cha mẹ cần trang bị sớm cho trẻ chính là dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước người lạ và tình huống khẩn cấp.
Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân
2. Tại sao phải dạy trẻ cách tự bảo vệ bản thân?
- Trẻ em luôn tò mò và muốn khám phá những điều mới lạ. Tuy nhiên, trẻ lại chưa có kỹ năng để thu thập thông tin, phán đoán những mối nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân mình.
- Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân giúp trẻ tư duy, phán đoán được những nguy hiểm có thể xảy ra và tìm các tránh xa. Hoặc trẻ tự vạch cho mình một khu vực đảm bảo an toàn để khám phá, tìm hiểu mọi thứ.
- Dạy trẻ những kỹ năng bảo vệ bản thân sẽ giúp trẻ có khả năng xử lí tình huống, biết lên tiếng kêu cứu và tìm đến những sự trợ giúp đúng khi cần.
- Khi trẻ được trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân sẽ tự tin hơn và làm chủ được cuộc sống của mình.
3. Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Kỹ năng an toàn khi tự chơi
Đây là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh trong giai đoạn trẻ còn nhỏ. Hiện nay, do tính chất của công việc cũng như điều kiện của mỗi gia đình mà người lớn thường cho trẻ tự chơi. Trong quá trình chơi, bé có thể gặp phải những mối nguy hiểm từ các đồ vật trong gia đình như phích nước, ổ điện, bếp điện từ, máy rửa bát, thiết bị nhà bếp, cầu thang và những đồ vật nhỏ. Do đó, cha mẹ cần dạy cho các con cần hiểu được đâu là đồ chơi, đâu là đồ dùng trong gia đình, đâu là đồ vật an toàn và đồ vật không an toàn…
Kỹ năng tránh bị xâm hại cơ thể
Để đảm bảo cho con có những kiến thức cơ bản về vấn đề bảo vệ thân thể cũng như cách phòng tránh khi bị xâm hại cơ thể, phụ huynh cần trang bị cho con những kiến thức cần thiết. Các bạn hãy giúp con hiểu được thế nào là hành động xâm phạm thân thể, nếu bị xâm hại cơ thể các con nên ứng xử ra sao.
Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân
➤ Xem thêm: Mách ba mẹ 5 cách dạy con thông minh từ nhỏ
Để dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân tránh bị xâm hại cơ thể, trước tiên, cha mẹ cần sớm dạy trẻ những nguyên tắc cần thiết để tránh những cái chạm cố ý. Ngoại trừ bố mẹ giúp trẻ trong việc tắm rửa khi bị bệnh hoặc trong trường hợp y tá, bác sĩ thăm khám có sự giám hộ của người thân thì còn lại không ai được tùy tiện chạm vào cơ thể trẻ, đặc biệt là những vùng nhạy cảm.
Mẹ hãy giải thích với con đó là những bộ phận riêng tư và bí mật không phải ai cũng có quyền xem. Giải thích với con rằng ba mẹ có thể thấy con ở trần, còn những người khác thì không. Nếu trẻ còn nhỏ và cần mẹ hỗ trợ tắm, nhân dịp chỉ có hai mẹ con, mẹ có thể thủ thỉ: “Mẹ có thể chạm vào vùng kín của con. Ngoài mẹ ra không ai được phép sờ. Bất cứ ai sờ vào vùng kín của con như vậy đều là người xấu”.
Kỹ năng ứng xử khi bị lạc
Cha mẹ nên trang bị cho trẻ những kiến thức ứng xử cần thiết khi bị lạc như: Con nên gọi sự trợ giúp của ai? Nếu gặp người lạ muốn đưa con về con nên làm gì?
Ở độ tuổi mầm non, trẻ có thể ghi nhớ tên địa chỉ nhà ở, số điện thoại của ba mẹ. Khi bị lạc, trẻ có thể liên lạc hoặc cung cấp thông tin cho mọi người, công an để tìm được về với ba mẹ. Tuy nhiên, khi trẻ đang hoảng sợ chưa chắc trẻ đã nhớ chính xác những thông tin này thì tốt hơn hết nên cho trẻ mang theo mảnh giấy ghi thông tin liên lạc của bố mẹ trong trường hợp khẩn cấp.
Kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông
Đây là một kỹ năng quan trọng đối với trẻ khi bắt đầu tham gia vào xã hội. Cha mẹ nên giúp con hiểu được một số loại biển báo cơ bản, một số loại đường cơ bản cũng như cách sang đường cũng như cách đi qua các ngã ba, ngã tư an toàn.
Quy tắc mật mã với người lạ
Cha mẹ hãy dạy trẻ không được nghe theo lời dụ dỗ của bất cứ ai và cũng không được đi theo họ, dù ở bất cứ nơi đâu. Dạy trẻ biết từ chối các món quà hay bất cứ thứ gì từ người lạ.
Khi trẻ bắt đầu có thể ghi nhớ các cụm từ dài hơn, các bạn có thể thống nhất với con một mật mã hoặc mật khẩu riêng để bé có thể dùng trong tình huống cảm thấy bất an, nguy hiểm. Mật mã này có thể áp dụng khi bé ở nhà một mình và có người lạ tới gọi cổng.
Thường xuyên nói chuyện, trao đổi với trẻ
Cha mẹ thường xuyên nói chuyện với trẻ sẽ tạo sự thân thiết và niềm tin trong con. Nhờ đó, trẻ sẽ cởi mở hơn trong việc chia sẻ những gì xảy ra xung quanh mình, từ đó giúp phụ huynh có thể phát hiện ra những nguy cơ đang tồn tại quanh con để có biện pháp hợp lý.
Tổng hợp