Bệnh sởi ở trẻ em là gì? Cách điều trị bệnh sởi tại nhà cho trẻ

Bệnh sởi ở trẻ em vô cùng nguy hiểm và dễ lây qua đường hô hấp. Trẻ sẽ bị phát ban và xuất hiện những triệu chứng giống như cúm. Vậy bệnh sởi là gì, cách điều trị như thế nào? Dưới đây là cách điều trị sởi ở trẻ em cha mẹ cần nắm rõ để chăm sóc con đúng cách.

Tìm hiểu bệnh sởi ở trẻ em

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có khả năng lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp thông qua các chất tiết của mũi, họng,… khi bệnh nhân nói chuyện hoặc hắt hơi. Nếu phát hiện con có các triệu chứng bất thường như ho nhiều, sốt cao, biếng ăn, sau khi phát ban vẫn tiếp tục sốt, mẹ cần nghĩ ngay tới bệnh sởi để đưa bé đi bệnh viện kịp thời.

Tìm hiểu bệnh sởi ở trẻ em
Tìm hiểu bệnh sởi ở trẻ em

Xem thêm: Trẻ chậm nói

Các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ em

Dấu hiệu nhận biết sớm nhất trẻ bị sởi (triệu chứng ở những ngày đầu, trước khi phát ban xuất hiện):

  • Sốt cao, nhiệt độ cơ thể lên đến 38–39ºC.
  • Viêm đường hô hấp trên: hắt hơi, sổ mũi, viêm long đường hô hấp trên, ho khan kéo dài, khàn tiếng.
  • Viêm kết mạc mắt: đỏ mắt, chảy nước mắt, sưng nề mí mắt.

Thể điển hình

Có 4 giai đoạn bệnh:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Từ 7–14 ngày, chưa có triệu chứng.
  • Giai đoạn khởi phát: 2–4 ngày. Trẻ sẽ có các biểu hiện sốt cao đến 40ºC kèm nhức đầu, nhức cơ cùng cảm giác mệt mỏi kéo dài, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi viêm thanh quản cấp. Có thể thấy hạt koplik (các hạt nhỏ khoảng 0,5–1mm, màu trắng, có quầng ban đỏ) trên niêm mạc má (bên trong miệng, ngang răng hàm trên).
  • Giai đoạn toàn phát: kéo dài 2–5 ngày. Sau khi sốt cao 3–4 ngày, trẻ bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thấy biến mất. Các nốt ban bắt đầu xuất hiện từ sau tai, gáy, trán, mặt cổ rồi lan dần đến thân mình và tứ chi. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt sẽ giảm dần.
  • Giai đoạn phục hồi: Ban nhạt dần rồi chuyển sang màu xám, bong vẩy phấn sẫm màu, để lại vết thâm được gọi là vằn da hổ. Ban biến mất dần theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không có biến chứng thì bệnh sẽ tự khỏi nhưng ho có thể kéo dài 1–2 tuần sau đó.
  • Nguyên nhân gây ra bệnh sởi ở trẻ em
    Nguyên nhân gây ra bệnh sởi ở trẻ em

Xem thêm: Trẻ ra mồ hôi trộm

Thể không điển hình

Ở thể bệnh này, biểu hiện lâm sàng có thể gồm sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ, phát ban ít, thể trạng nhìn chung tốt. Thể này thường dễ bị bỏ qua khiến bệnh sởi lây lan mà không hay biết.

Lưu ý, triệu chứng bệnh sởi ở trẻ em ở những ngày đầu của giai đoạn khởi phát rất khó phân biệt với dấu hiệu viêm đường hô hấp thông thường khác. Do đó, cần xem xét thêm những yếu tố sau để nghi ngờ trẻ mắc bệnh sởi:

  • Trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm vắc-xin phòng sởi hoặc đã tiêm nhưng chưa đủ số mũi.
  • Trên 1 tuổi nhưng mới tiêm 1 mũi phòng sởi.
  • Đang ở trong vùng có dịch sởi.
  • Vừa tiếp xúc với vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người mang bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh sởi ở trẻ em

Tác nhân gây bệnh sởi là virus sởi thuộc Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Siêu vi sởi có ở mũi và cổ họng của người bệnh. Khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện, những giọt dịch tiết chứa virus sẽ bắn ra trong không khí.

Nếu người lành tiếp xúc với bệnh nhân, hít hoặc nuốt phải những giọt dịch tiết chứa virus sẽ bị lây sởi. Đặc biệt, virus sởi còn có thể tồn tại trong không khí và trên các bề mặt tới 2 giờ, vì vậy nếu một người nào đó chạm tay vào bề mặt có những giọt tiết chứa virus sởi, sau đó chạm vào miệng hoặc mũi, virus sởi sẽ xâm nhập vào bên trong cơ thể và gây nhiễm trùng đường hô hấp.

Cách chữa bệnh sởi ở trẻ em tại nhà

Cho đến nay, vẫn chưa có cách điều trị bệnh sởi đặc hiệu mà chỉ có thực hiện các biện pháp giúp hỗ trợ điều trị, giảm bớt triệu chứng bệnh. Bạn có thể tham khảo những cách có thể áp dụng tại nhà như sau:

  • Dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao, điển hình là các sản phẩm có chứa Paracetamol của Hapacol. Lưu ý, không sử dụng aspirin cho trẻ em vì loại thuốc này có liên quan đến hội chứng Reye.
  • Cách ly trẻ với những trẻ khác để phòng tránh virus lây lan tạo thành dịch.
  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ, không nên nghe theo các quan niệm kiêng tắm, kiêng gió… Việc vệ sinh kém sẽ khiến bệnh nghiêm trọng hơn. Đồng thời, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, phòng ngừa virus còn tồn tại trên các đồ vật trẻ tiếp xúc.
  • Cho trẻ ăn nhiều bữa, lựa chọn các nhóm thực phẩm dễ tiêu hóa.
  • Bổ sung thêm vitamin A để bảo vệ đôi mắt. Thông thường, trẻ bị nhiễm sởi được bổ sung vitamin A liều cao 2 ngày liên tiếp theo chỉ định từ bác sĩ.

Bệnh sởi ở trẻ em có lây không?

Dù là với người lớn hay trẻ em, bệnh sởi cũng rất dễ lây lan qua các con đường lây nhiễm như:

  • Hít phải những giọt nước bọt chứa virus sởi của người nhiễm bệnh khi họ ho, hắt hơi… hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của người bệnh.
  • Chạm vào bề mặt có các giọt chất nhầy từ mũi, họng của người bệnh. Sau đó đưa tay vào miệng, mũi, mắt. (Virus sởi có thể sống ở môi trường ngoài cơ thể trong 2 giờ).

Bệnh sởi ở trẻ em là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc nhận biến các biểu hiện, hiểu rõ về cách phòng ngừa và điều trị bệnh sẽ giúp bệnh dễ kiểm soát, trẻ nhanh hết bệnh. Đặc biệt, nếu trẻ xuất hiện các biểu hiện bất thường khi mắc bệnh, bố mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được hỗ trợ điều trị ngay lập tức.

Rate this post