Những nguyên tắc cần nắm rõ khi cho trẻ ăn dặm
Ăn dặm là giai đoạn trẻ chuyển từ hoàn toàn bú sữa mẹ sang kết hợp ăn uống các loại thực phẩm khác. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các phụ huynh những thông tin cần lưu ý khi cho trẻ ăn dặm.
Ăn dặm là gì?
Ăn dặm là giai đoạn cho trẻ làm quen với các loại thực phẩm thô như thịt, cá, trứng, rau củ, trái cây… nhằm bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, giúp bé phát triển toàn diện và tiến gần đến giai đoạn cai sữa.
Thời điểm cho trẻ ăn dặm thường bắt đầu từ 6 tháng tuổi và kết thúc khi hơn 1 tuổi. Tùy vào thể chất mà của từng trẻ sẽ có thời gian ăn dặm khác nhau. Vì vậy, cha mẹ không nên quá nóng vội mà bắt đầu hay kết thúc sớm, bởi điều này sẽ làm mất đi hứng thú ăn uống và khiến bé bị tiêu chảy.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn dặm không thể thay thế hoàn toàn cho sữa mẹ trong thời gian 1 năm đầu. Do đó, để không làm giảm sức đề kháng và đảm bảo dinh dưỡng của trẻ, mẹ nên chú ý kết hợp cả việc ăn dặm lẫn cho con bú đầy đủ. Theo đó, lượng sữa sẽ giảm dần theo thời gian và lượng thức ăn sẽ tăng dần theo độ tuổi.
Những nguyên tắc cần nắm rõ khi cho trẻ ăn dặm
Xem thêm: Những điều cha mẹ cần biết khi trẻ xì hơi nhiều
Nên cho trẻ ăn dặm khi nào phù hợp?
Các chuyên gia sức khỏe cho rằng, trẻ sơ sinh nên bắt đầu ăn thức ăn đặc vào khoảng 4 – 6 tháng tuổi. Lúc này, hệ tiêu hoá và hệ miễn dịch của trẻ đã phát triển hoàn thiện, có thể tiêu thụ và hấp thu thực phẩm thô, chứa tinh bột một cách an toàn.
Đây là thời gian để khuyến khích vì trẻ sơ sinh ở độ tuổi này bắt đầu cần các chất dinh dưỡng bổ sung không có trong sữa, chẳng hạn như sắt và kẽm. Một lượng nhỏ thức ăn rắn có thể cung cấp những chất dinh dưỡng này.
Các dấu hiệu cho thấy em bé đã sẵn sàng phát triển để ăn thức ăn đặc gồm:
- Trẻ đã ngồi vững vàng, cổ cứng cáp và kiểm soát đầu.
- Trẻ có thể gắp thức ăn và đưa vào miệng.
- Trẻ thích cho đồ chơi hoặc những vật có thể cầm nắm được vào miệng.
- Trẻ có thể ngậm thức ăn trong miệng và sẵn sàng nhai.
- Trẻ tò mò vào giờ ăn và muốn tham gia. Hay háo hức đưa người về phía trước khi thấy người lớn ăn.
- Trẻ thể hiện sự thích thú và chóp chép nhai khi được mẹ đút một ít thức ăn xay nhuyễn và loãng.
Rất hiếm khi trẻ sơ sinh sẵn sàng ăn dặm trước 4 – 6 tháng. Nếu bạn nghĩ rằng con có dấu hiệu sẵn sàng cho ăn dặm nhưng chưa được 6 tháng tuổi thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa.
Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm đúng cách
Cha mẹ cần thực hiện các nguyên tắc tập cho trẻ ăn dặm đúng cách sẽ giúp bé làm quen được với những loại thức ăn mới lạ dễ dàng hơn.
Ăn những thức ăn gần giống với sữa mẹ
Việc cho trẻ ăn những loại thức ăn gần giống với sữa mẹ hoặc sữa công thức ở thời gian đầu sẽ giúp bé quen dần với những thức ăn, cũng như thích nghi với việc ăn dặm và ăn uống sau này. Ở giai đoạn đầu mẹ có thể cho bé ăn dặm bằng bột ngọt, sau đó dần thay thế bằng bột mặn với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn.
Ăn từ loãng đến đặc
Với nguyên tắc này, trẻ sẽ ăn cháo hoặc bột loãng từ 2 – 3 ngày đầu, sau đó sẽ tăng dần độ đặc, độ thô của thức ăn. Từ cháo loãng đến cháo rây, cháo nguyên hạt, cơm nát…. Điều này sẽ giúp trẻ có thể làm quen và nhanh chóng ăn được các loại thức ăn như người lớn. Bên cạnh đó, bạn nên lựa chọn các loại thức ăn mềm, dễ nhai và dễ nuốt vì trẻ vẫn chưa mọc răng hoặc mọc răng rất ít.
Ăn từ ít đến nhiều
Phụ huynh nên cho bé ăn từng chút một khi mới bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm. Những bữa ăn đầu tiên, mẹ có thể cho bé ăn từ 5 – 10ml thức ăn. Sau đó, bạn hãy lượng thức ăn dần tăng lên để dạ dày và hệ tiêu hóa có thời gian làm quen và thích ứng.
Thời gian đầu trẻ có thể ăn dặm 1 bữa/ ngày và khi đã quen sẽ tăng lên 2 bữa/ ngày, kèm theo đó là các bữa ăn phụ như hoa quả, bánh, sữa chua… Cách này giúp bé thích nghi với kết cấu đặc của thức ăn, đảm bảo an toàn cho hệ tiêu hoá và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Đảm bảo dinh dưỡng và hợp vệ sinh
Những tháng đầu tập cho trẻ ăn dặm mẹ nên ưu tiên các loại thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, các loại rau, củ, quả. Khi trẻ bước sang tháng thứ 9 cần được ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm gồm bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất để giúp trẻ mau lớn và khỏe mạnh.
Không ép trẻ ăn
Cha mẹ không nên ép trẻ ăn khi bé không muốn ăn hoặc tỏ ra phản đối với việc ăn dặm. Việc ép trẻ ăn dặm khi bé không thích có thể khiến bé hình thành tâm lý sợ bữa ăn và càng từ chối ăn. Trong quá trình ăn dặm, nếu trẻ có dấu hiệu biếng ăn, mẹ nên tạm ngưng phương pháp này trong khoảng 5 – 7 ngày rồi mới thực hiện lại.
Những nguyên tắc cần nắm rõ khi cho trẻ ăn dặm
Xem thêm: Nguyên nhân và cách cải thiện tình trạng trẻ hay giật mình khi ngủ
Các giai đoạn ăn dặm của bé
Giai đoạn ăn bột
Thời gian ăn bột nên được thực hiện khi trẻ từ 6 – 8 tháng tuổi. Giai đoạn này, lưỡi có bé đã hoạt động linh hoạt, có thể tập ăn các loại bột dinh dưỡng hoặc bột ăn dặm tự làm tại nhà. Nếu sử dụng bột dinh dưỡng, mẹ nên ưu tiên chọn những hãng uy tín, chất lượng. Nếu bột ăn dặm, mẹ cần đảm bảo vệ sinh và đầy đủ dinh dưỡng trong khâu chế biến.
Giai đoạn ăn cháo
Khi trẻ từ 9 – 10 tháng tuổi, cha mẹ nên bắt đầu cho trẻ ăn cháo. Lúc này, lưỡi của bé đã trở nên cứng cáp hơn, dạ dày cũng đã quen với thức ăn dạng đặc nên mẹ có thể chuyển sang cháo. Khi chế biến, mẹ nên dùng nước hầm từ xương để nấu kết hợp với thịt, cá, dầu ăn, rau củ để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, giúp bé phát triển toàn diện.
Giai đoạn ăn cơm
Đối với trẻ từ 11 – 15 tháng tuổi, răng của bé gần như mọc hoàn thiện, có thể nhai kỹ được. Vì vậy, mẹ có thể chuyển sang dạng cơm mềm để bé tập nhai. Cơm nên được nấu mềm, dằm nát và kết hợp với các loại canh như canh bí đỏ, canh súp, canh rau đay, canh mồng tơi… Bạn nên luân phiên thay đổi để bé không bị ngán.
Cách lựa chọn thực phẩm cho trẻ ăn dặm
Vào giai đoạn ăn dặm, hệ tiêu hóa của trẻ gần như đã cơ bản hoàn chỉnh và sẵn sàng để tiếp nhận chế độ dinh dưỡng mới. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý lúc này hệ tiêu hóa vẫn rất non nớt đang làm quen với các loại thức ăn không phải là sữa mẹ.
Nhóm tinh bột
Tinh bột là thành phần chính trong các loại thực phẩm như gạo, ngô, khoai, các loại đậu… Các mẹ có thể linh hoạt trong việc lựa chọn thực phẩm trong thực đơn ăn dặm hàng ngày cho trẻ. Tuy nhiên, mẹ không nên nấu lẫn các loại thức ăn vào nhau để tránh việc trẻ bị dị ứng hoặc khó tiêu… Đến khi trẻ khoảng 1 tuổi cha mẹ có thể cho trẻ ăn thêm bún, phở…
Nhóm chất đạm
Chất đạm có nhiều trong các loại thịt, cá, trứng, các loại thủy hải sản… Thực đơn cho trẻ ăn dặm nên bổ sung đạm giai đoạn đầu nên ưu tiên thịt nạc và trứng. Bên cạnh đó, một vấn đề cha mẹ cần lưu ý là không nên cho con quá nhiều đạm cùng lúc, bởi có thể gây rối loạn tiêu hóa và gia tăng nguy cơ mắc chứng biếng ăn.
Nhóm chất béo
Nhóm chất béo đóng vai trò quan trọng là dung môi giúp các vitamin A,D,E,K… hòa tan hấp thu vào cơ thể. Chất béo ngoài việc cung cấp năng lượng, còn là thành phần của màng tế bào và mô não.
Trẻ cần ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật (mỡ gà, mỡ lợn…), với tỷ lệ 1:1 nên xen kẽ các bữa dầu và mỡ. Các loại dầu thực vật nên ăn đa dạng (đậu nành, mè, dầu cá hồi…), riêng dầu gấc không nên ăn hàng ngày mà chỉ nên 1 – 2 lần/tuần để tránh vàng da do thừa tiền vitamin A.
Nhóm vitamin và chất xơ
Cung cấp vitamin, chất xơ và một số khoáng chất sẽ hỗ trợ cho hệ tiêu hóa của bé. Cha mẹ cũng có thể tập cho bé ăn hoa quả tươi như nạo chuối tiêu, uống nước cam, xoài xay, đu đủ xay… Những loại trái cây này sẽ giúp bổ sung rất nhiều vitamin, các chất chống oxy hóa và khoáng chất giúp cho hệ miễn dịch của bé phát triển, phòng chống các bệnh về đường ruột.