Nguyên nhân và cách cải thiện tình trạng trẻ hay giật mình khi ngủ
Giật mình khi ngủ là một hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh, khiến bé tỉnh giấc hay ngủ không ngon. Hãy tìm hiểu nguyên nhân và một số cách chữa trẻ hay giật mình khi ngủ trong bài viết dưới đây nhé.
Tìm hiểu giấc ngủ của trẻ
Trẻ sơ sinh sẽ ngủ liên tục khoảng 16 – 18 tiếng mỗi ngày, bé chỉ thức khi ăn và khi vệ sinh. Khi lớn hơn, thời gian ngủ của trẻ sẽ giảm dần, nhưng cha mẹ vẫn cần đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc và đúng giờ. Phụ huynh cần ghi nhớ số giờ ngủ của trẻ theo từng giai đoạn như sau:
- Trẻ từ 1 – 2 tháng tuổi: Trẻ cần ngủ khoảng 15 – 16 tiếng/ngày và chia thành 3 – 4 giấc. Ban ngày bé có thể ngủ 7 – 8 tiếng và ban đêm dài hơn 8-9 tiếng.
- Trẻ từ 3 – 5 tháng tuổi: Trẻ sẽ ngủ khoảng 15 tiếng/ngày. Bé thường ngủ 3 giấc. Giấc ngày khoảng 5 – 6 tiếng và giấc đêm có thể kéo dài 9 – 10 tiếng. Từ tháng thứ 4 trở đi, bé đã phân biệt rất rõ giữa đêm và ngày nên giấc đêm của bé sẽ dài và liền mạch hơn.
- Trẻ từ 6 – 8 tháng tuổi: Trẻ sẽ ngủ khoảng 14-15 tiếng/ngày. Đến đêm bé đã ngủ được 10-11 tiếng.
- Trẻ 9 – 12 tháng tuổi: Trong giai đoạn này số giờ ngủ chỉ còn khoảng 14 tiếng/ngày. Bé ngủ 2 giấc, mỗi giấc tầm 3 – 4 tiếng. Giờ ngủ đêm của bé đã kéo dài tới 11 tiếng đồng hồ.
Ngoài ra, trẻ từ 3 – 10 tuổi sẽ ngủ khoảng 10 – 12 tiếng/ ngày. Trẻ từ 10 tuổi trở lên sẽ ngủ bằng với giấc ngủ của người lớn, mỗi ngày khoảng 8 tiếng.
Nguyên nhân và cách cải thiện tình trạng trẻ hay giật mình khi ngủ
Xem thêm: Nguyên nhân và cách chữa trị hiệu quả nấc ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân trẻ hay giật mình khi ngủ
Đối với trẻ em, giấc ngủ vô cùng quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ. Nếu được ngủ ngon, trẻ sẽ lớn nhanh, có sức đề kháng tốt và thông minh hơn. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà trẻ giật mình khóc đêm, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc…
Trong giai đoạn sơ sinh, bản chất giấc ngủ của trẻ thường không sâu như khi trẻ lớn hơn hoặc người lớn. Khi ngủ trẻ hay giật mình thức giấc, có thể trẻ đòi ti mẹ hoặc sâu xa hơn là trong cơ thể tiềm ẩn một nguy cơ nào đó như bé bị bệnh, bị đầy hơi…
Một số nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ giật mình khi ngủ có thể là:
- Tâm lý bất an: Khi bé lo lắng hoặc hồi hộp cũng thường bị giật mình. Vào ban đêm, khi phải ngủ một mình bé có thể sợ hãi và cảm thấy không an toàn.
- Phản xạ sinh lý: Khi mới sinh ra, bé chưa quen với môi trường bên ngoài nên có thể khiến trẻ hay giật mình khi ngủ. Tình trạng này sẽ được cải thiện khi bé lớn hơn.
- Thiếu canxi: Nếu bị thiếu canxi, trẻ cũng sẽ hay rướn người và giật mình.
- Bị đặt xuống bất ngờ: Khi đang được bế và bị đặt xuống một cách bất ngờ, trẻ thường hay bị giật mình do sự thay đổi độ cao quá nhanh và tạo cảm giác như đang rơi.
- Tiếng ồn: Trẻ sơ sinh dễ bị giật mình trong lúc ngủ bởi những tiếng động lớn từ bên ngoài như tiếng chuông điện thoại, tiếng nhạc, tiếng mở cửa…
- Trào ngược dạ dày: Đây cũng là một nguyên nhân thường gặp khiến bé bị giật mình khi ngủ.
- Tổn thương hệ thần kinh trung ương: Dây thần kinh bị tổn thương và rối loạn thần kinh bẩm sinh là nguyên nhân khiến trẻ hay giật mình khi ngủ. Nếu thấy bé hay bị giật mình cùng các biểu hiện khác thường khác thì cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ để khám xét cẩn thận.
Đối với những bé thường xuyên bị giật mình khi ngủ, cha mẹ cần theo dõi để tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nếu trẻ hay giật mình do các nguyên nhân bệnh lý thì phụ huynh cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được điều trị phù hợp.
Một cách cải thiện tình trạng trẻ hay giật mình khi ngủ
Trong các trường hợp trẻ bị giật mình do phản xạ tự nhiên hay tác động từ môi trường bên ngoài, cha mẹ có thể áp dụng các cách dưới đây.
Không vui đùa với bé trước giờ ngủ
Cha mẹ cần chú ý đến những hoạt động trước giờ đi ngủ của trẻ như tránh nô đùa quá khích khiến bé cười hoặc khóc quá nhiều. Bởi những điều này sẽ làm bé không muốn ngủ và thậm chí khiến bé hay giật mình. Ngoài ra, nếu chuẩn bị cho bé đi ngủ, cha mẹ cũng nên tránh nhìn tập trung vào mắt bé bởi điều này sẽ khiến mắt bé bị căng, tỉnh táo và không muốn đi ngủ.
Tạo không gian ngủ lý tưởng cho bé
Những tiếng động lớn hay phòng ngủ không thoải mái cũng sẽ khiến trẻ bị giật mình khi ngủ. Vì vậy, cha mẹ cần bố trí phòng ngủ của bé yên tĩnh và điều chỉnh nhiệt độ phòng thích hợp, không quá nóng cũng không quá lạnh.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên giảm tối đa ánh sáng trong phòng khi bé ngủ. Bạn cũng nên tạo cảm giác an toàn cho bé như dùng gối nhẹ để chặn người hoặc dùng áo sạch của mẹ để gần để trẻ có cảm giác gần mẹ và thấy an tâm hơn.
Đặt bé vào giường ngủ khi bé còn tỉnh
Khi ru bé ngủ, cha mẹ hãy chú ý cho bé trở lại nôi hoặc giường khi thấy bé có dấu hiệu buồn ngủ như mắt lim dim. Điều này sẽ giúp bé học cách tự ngủ một mình và tránh giật mình.
Nguyên nhân và cách cải thiện tình trạng trẻ hay giật mình khi ngủ
Xem thêm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị chàm ở trẻ sơ sinh
Âu yếm, tiếp xúc da của mẹ với da của bé
Việc tiếp xúc với làn da ấm áp của mẹ có thể làm dịu cơn quấy khóc của trẻ. Cách này giúp ổn định nhiệt độ cho cơ thể, hormone gây căng thẳng, kích thích giải phóng oxytocin – hormone liên kết giữa mẹ và bé.
Tuân theo đúng giờ sinh học của giấc ngủ
Trẻ sơ sinh khoảng 3 tháng tuổi thường ngủ gần như cả ngày và chia làm nhiều giấc nhỏ. Do đó, trẻ cứ dậy chơi rồi ngủ, mỗi giấc khoảng 2 – 3 tiếng một lần, không tính ngày hay đêm. Với những trẻ lớn hơn, thời gian ngủ sẽ giảm xuống và đã phân biệt được ngày đêm cũng rõ ràng, đêm sẽ ngủ nhiều hơn ngày. Cha mẹ nên tuân theo nhịp ngủ này mà cho trẻ ngủ theo lịch phù hợp.
Không quấn khăn quá chặt
Việc quấn khăn sẽ giúp bé cảm thấy an toàn và dễ chịu như trong bụng mẹ. Tuy nhiên, nếu quấn chăn quá chặt sẽ khiến bé không thoải mái và dễ gây giật mình khi ngủ.
Cho trẻ ngậm vú giả
Theo một số nghiên cứu cho thấy, việc cho trẻ ngậm vú giả sẽ giúp bé ngủ ngon hơn và hạn chế tình trạng giật mình. Khi trẻ đã ngủ say, mẹ có thể từ từ rút núm vú của mẹ ra rồi cho bé ngậm vú giả. Nếu áp dụng cách này, cha mẹ cần chọn loại núm vú thật mềm và vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé.
Cho trẻ tắm nắng thường xuyên
Để bé không bị thiếu canxi, cha mẹ nên cho bé tắm nắng thường xuyên để tổng hợp vitamin D tự nhiên. Lưu ý nên cho bé tắm nắng vào buổi sáng sớm, khi ánh nắng còn dịu nhẹ và tránh những ngày gió to, nắng gắt hay thời tiết thay đổi thất thường.
Cho bé bú sữa mẹ đầy đủ
Đối với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng các nhóm chất cần thiết, giúp bé tăng sức đề kháng và phát triển toàn diện. Do đó, mẹ nên cho bé bú đầy đủ sữa mẹ để con khỏe mạnh, không bị thiếu chất và hạn chế tình trạng giật mình khi ngủ do thiếu canxi.
Trước khi ngủ không nên cho bé ăn
Có cách giúp bé ngủ sâu giấc đó là không cho bé ăn quá no trước khi đi ngủ, đặc biệt là những loại thức ăn như trứng, phomai, thực phẩm giàu protein… Bởi những loại thực phẩm này sẽ khiến hệ tiêu hóa của bé bị ì ạch dẫn đến ngủ không ngon giấc. Ngoài ra, mẹ cũng không nên cho bé bú quá no hoặc những thứ nước lợi tiểu sẽ khiến trẻ tiểu đêm nhiều.
Chuẩn bị đi ngủ thì tắt đèn
Bóng tối là một yếu tố giúp con người ngủ ngon hơn, kể cả với người lớn hay trẻ nhỏ. Nếu để đèn quá sáng sẽ ức chế sự sản sinh hormone melatonin (một loại hormone giúp con người ngủ sâu hơn) khiến bé bị rối loạn sinh học, gây khó ngủ hay khóc giật mình. Chính vì vậy, nếu muốn bé có giấc ngủ sâu và không bị giật mình, cha mẹ hãy tắt hết các thiết bị điện trước khi ngủ, chỉ để ánh sáng mờ của đèn ngủ.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, cha mẹ có thể bổ sung cho bé một số loại thực phẩm giúp bé ngủ ngon hơn như cá giàu omega-3, sữa và các chế phẩm từ sữa, chuối, trứng luộc, hạt sen, ngũ cốc…
Bên cạnh đó, khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ cần phải đảm bảo các dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là kẽm. Bởi thiếu kẽm sẽ làm cho trẻ dễ bị giật mình và khó ngủ. Ngoài ra, bạn cần cân nhắc khi cho trẻ ăn những thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn vặt.